Vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".
Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 đang đến gần, chuyên mục tin tức của HOME’FURNI xin gửi đến các bạn loạt bài viết về những người Phụ nữ Việt Nam.
Kỳ 1: Tạo dựng lịch sử
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, dù ở thời kỳ nào, hình ảnh người Phụ nữ Việt Nam vẫn để lại những dấu ấn to lớn trong trang sử vàng của dân tộc, đóng vai trò quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Hai Bà Trưng – Người Đi Tiên Phong.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) nổ ra vào mùa xuân năm Canh Tý (40CN) là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc toàn diện và rộng khắp, chống lại thế lực phong kiến phương Bắc ở đầu công nguyên.
Mặc dù thời gian trị vì của Hai Bà ngắn ngủi (từ năm 40 tới 43 sau Công nguyên) nhưng cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán, dành độc lập cho xứ sở của Hai Bà có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử của nước nhà. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả.
Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc của Việt Nam, và được thờ cúng tại nhiều đền thờ, trong đó lớn nhất là Đền Hai Bà Trưng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh,Vĩnh Phúc nay là Mê Linh,Hà Nội - quê hương của hai bà.
Triệu Thị Trinh – Nữ Tướng Kiệt Xuất
Sau khi đánh bại Trưng Nữ Vương, thế lực phong kiến phương Bắc tiến hành một cuộc trả thù đẫm máu chưa từng thấy đã diễn ra trên khắp cõi, đặc biệt là ở khu vực quận Giao Chỉ. Hàng vạn người bị giết hoặc bị đày đi viễn xứ. Trong điều kiện khó khăn chồng chất như vậy, phong trào đấu tranh của nhân dân các địa phương thuộc quận Giao Chỉ cũ buộc phải tạm thời lắng xuống, nhưng thay vào đó là sự trỗi dậy rất mạnh mẽ của những phong trào ở khu vực khác mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh.
Bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu tập nghĩa quân, quyết lòng đánh đuổi quân Ngô cứu nước, cứu dân. Năm Mậu Thìn 248, cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Giữa lúc chiến đấu ác liệt với quân Ngô, anh bà đột ngột lâm bệnh rồi mất, bà vẫn tiếp tục chỉ huy dân quân đánh đuổi giặc. Tướng Ngô là Thứ sử Lục Dân dùng của cải quyến tước mua chuộc một số tù trưởng khiến một số người rời bỏ cuộc chiến, rồi đem quân đàn áp nghĩa quân dữ dội.
Trong dân gian vẫn lưu truyền một câu nói nổi tiếng của Bà : "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta!"
Dương Vân Nga – Hoàng Hậu Hai Triều
Không phải là một nữ tướng kiệt xuất như những nhân vật đi trước. Nhưng Hoàng Hậu Dương Vân Nga là một nhân vật có những ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử phong kiến Việt Nam.
Hoàng hậu Dương Vân Nga (? – 1000), “người Ái Châu (Thanh Hóa), con gái Nha tướng Dương Đình Nghệ”. Bà là vợ vua Đinh Tiên Hoàng, sau khi vua Đinh và con trai cả là Đinh Liễn bị ám sát, bà đã giao quyền nhiếp chính cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (Lê Đại Hành) mở ra triều đại Tiền Lê (980 – 1009, phân biệt với Hậu Lê do Lê Lợi lập ra)sau đó bà lại trở thành vợ vua Lê Đại Hành, chính điều đó đã đưa đến cho bà nhiều tai tiếng và cái nhìn kỳ thị của xã hội lúc bấy giờ.
Tuy có những ý kiến trái chiều về công tội của Hoàng hậu Dương Vân Nga, nhưng không thể vì vậy mà phủ nhận vai trò lịch sử hết sức to lớn của bà.
Bùi Thị Xuân – Tây Sơn Nữ Tướng
Mỗi khi ngọn cờ thêu bốn chữ "Tây Sơn nữ tướng" giương cao ở bất kì nơi nào thì quân giặc ở đó khiếp đảm bỏ chạy giẫm đạp lên nhau mà chết. Sau này, Nguyễn Huệ cũng thừa nhận bà rất xứng đáng với danh xưng đó và còn ban tặng thêm bốn chữ "Cân quắc anh hùng".
Lúc sinh thời người đời khâm phục Bùi Thị Xuân vì bà vừa có nhan sắc tuyệt trần, giỏi võ nghệ và tài cầm quân của một nữ tướng kiệt xuất cùng chồng là Thái phó Trần Quang Diệu phò vua Quang Trung- Nguyễn Huệ chinh Nam, tảo Bắc oai phong bách chiến, bách thắng.
Khi triều Tây Sơn suy yếu, tan rã bà vẫn một lòng thờ vua Cảnh Thịnh chiến đấu đến sức tàn lực kiệt và bị Nguyễn Ánh bắt. Vì căm hận vua Gia Long đã trả thù dã man nhất với cực hình cho voi giày. Cái chết của Bà cùng với con gái Bùi Bích Xuân được một nhà truyền giáo phương Tây De La Bissachère viết năm 1807 đã chứng kiến và kể lại, nhưng oai danh và khí tiết khiến cho trời đất quỷ thần còn kính sợ, người đời thì truyền tụng sự bất tử của nữ tướng trung liệt Đô đốc Bùi Thị Xuân.
Nguyễn Thị Định - nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Nguyễn Thị Định sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước. Từ năm 1936 bà đã tham gia hoạt động cách mạng và năm 1974 bà được phong quân hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Năm 1980, bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bà là đại biểu Quốc hội khoá VI, VII, VIII và giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 đến năm 1992.
Sau năm 1976, Nguyễn Thị Định từ một nữ tướng chỉ huy kiên cường và mưu lược đã trở thành nhà quản lí và nhà lãnh đạo trung thực và liêm khiết, đặc biệt chăm lo đến những người dân nghèo kổ, những người bị oan ức. Bà đã được Nhà nước Việt Nam và nước ngoài tặng thưởng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý.
....
Ngoài những nhân vật hiển hách trên, lịch sử Việt Nam còn ghi nhận rất rất nhiều những người phụ nữ với những chiến công vang dội khác mà do giới hạn của bài viết không thể kể hết. Vây đây chỉ là năm gương mặt điển hình dựa trên những tiêu chí chủ quan của tác giả bài viết.
Nguồn: sưu tầm